Hồ sơ
Nguyễn Tấn Trung
Happy
Sơ yếu lý lịch
-
Quá trình học tập:
– 1997 – 2001: Học tại trường THCS Bàn Cờ, Quận 3, TP. HCM. – 2001 – 2004: Học Trung Học Phổ Thông tại trường Trung Học Thực Hành – Đại Học Sư Phạm TP. HCM. – 2004 – 2008: Học tại Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP. HCM. Cử Nhân ngành Công Nghệ Sinh Học. – 2008 – 2010: Học tại Đại Học Paris-Sud 11, Pháp. Thạc sĩ ngành Khoa Học Sự Sống, Công nghệ và Sức Khoẻ. Chuyên ngành về gene, tế bào, phát triển và tiến hoá. Phân ngành hẹp về di truyền, sinh học phân tử vi sinh, bộ gene và sức khoẻ. – 2010 – 2013: Học tại Đại Học Paris-Sud 11, Pháp. Tiến sĩ ngành Sinh Học. Chuyên ngành về Gene, Bộ Gene, Sinh Học Tế Bào
-
Trình độ:
– Cử Nhân ngành Công Nghệ Sinh Học. – Thạc sĩ ngành Khoa Học Sự Sống, Công Nghệ và Sức Khoẻ. – Tiến sĩ ngành Sinh Học
-
Kinh nghiệm làm việc:
– 2014-2015: Giảng Viên trường Đại Học Bách Khoa TP. HCM. Các môn giảng dạy: Sinh Học Đại Cương, Di truyền, Sinh Học Phân Tử, Công Nghệ Sinh Học Y Dược, Liệu Pháp Gene và Tế Bào. Sinh Học Tế Bào. – 2015-2016: Nghiên cứu viên tại Viện Max F. Perutz, Trung Tâm Sinh Học (Vienna Biocenter Campus) tại Vienna, Áo. Nghiên cứu về sinh học nhiễm sắc thể: cơ chế điều hoà sự bắt cặp các nhiễm sắc thể tương đồng trong quá trình sửa sai DNA.
-
Công việc hiện tại:
Nghiên cứu viên tại Viện Jean-Pierre Bourgin, INRA – Versailles, Pháp. Nghiên cứu về sinh lý ty thể và sự sinh sản: cơ chế điều hoà khởi sự dịch mã trong ty thể. – 2015 – nay: Cố vấn học thuật cho website học thuật về y sinh – khoa học sự sống IBSG (http://ibsgacademic.com/).
-
Nơi làm việc:
Đang làm việc cho Viện Jean-Pierre Bourgin, INRA – Versailles, Pháp
-
Điều mà anh/ chị yêu thích nhất ở khoa học là gì?: Nghiên cứu khoa học là một ngành khó. Nếu trong tương lai các em có thể trở thành một nhà khoa học thì hãy nhớ rằng, các em đang làm một ngành nghề rất tuyệt vời là mang lại những khám phá, hiểu biết, kiến thức về thế giới tự nhiên cho nhân loại. Từ những hiểu biết về tự nhiên, khoa học sẽ mang lại những phát minh làm cho cuộc sống này ngày càng xinh tươi và tốt đẹp hơn. Khoa học không chỉ là một nghề đòi hỏi những tố chất đặc biệt ở con người, mà còn là một hành trình giúp chúng ta tự khám phá, học hỏi và tự hoàn thiện bản thân, cũng như thoả mãn những tò mò của bản thân và nhân loại về thế giới tự nhiên. Đó là những nét cuốn hút khiến bản thân yêu thích khoa học.
-
Giới thiệu bản thân
“Khi tất cả mọi thứ dường như chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh được nhờ ngược chiều ngọn gió.” – Henry Ford
-
Xem thêm
Cuộc sống là một hành trình khám phá và hoàn thiện bản thân. Cuộc sống chỉ tươi đẹp và hạnh phúc khi bản thân nhận thấy được vị trí trong cuộc sống/xã hội, mục đích cuộc sống và sự chia sẻ. Con người rất kỳ lạ, một khi bị ép vào hoàn cảnh ngặt nghèo, chuỗi thất bại liên tục trong cuộc sống sẽ làm bản thân nhận thức rõ được vị trí trong cuộc sống, mục đích sống có ích trong cuộc đời, tự khám phá được bản thân và hoàn thiện các khuyết điểm để tiến lên. Chúng ta sẽ suy nghĩ thoáng hơn, không oán trách cuộc sống, xã hội và dồn hết tinh lực vào học tập, công việc, rèn luyện các thói quen tốt để đạt được mục đích sống có ích cho xã hội. Vận mệnh cuộc sống do chính bản thân tạo ra, hãy thấy được các thất bại là để chúng ta khám phá và hoàn thiện bản thân. Tôi vẫn đi trên con đường tự khám phá bản thân và hoàn thiện qua những trải nghiệm trong công việc và cuộc sống này. Những đất nước, con người, văn hoá mà tôi đã và đang trải nghiệm qua, giúp tôi có cái nhìn rộng lớn về thế giới này, để thấy vị trí bản thân chúng ta quá nhỏ bé và mỗi sáng thức dậy phải là một sự cố gắng hơn so với ngày hôm qua.
-
Phần phỏng vấn
-
Điều gì hoặc ai là nguồn cảm hứng và động lực để anh/chị trở thành nhà khoa học?
“Tôi luôn luôn đắm mình trong vẻ đẹp của Thiên nhiên, Khoa học mà tôi say mê luôn luôn mở ra những chân trời mới mẻ. Tôi nhận thức ra rằng, bản thân khoa học cũng có vẻ đẹp hùng vĩ của nó. Một nhà khoa học phụng sự công tác nghiên cứu không chỉ là một nhà kĩ thuật, hơn thế nữa còn là một đứa trẻ, trong cảnh sắc thiên nhiên, chừng như say đắm trong những câu chuyện thần thoại vậy. Ma lực ấy chính là nguyên nhân chủ yếu làm tôi có thể suốt đời vùi đầu trong phòng thí nghiệm.” Niềm tin của tôi – Marie Skłodowska-Curie. Trích từ bài viết của Ève Cuire, con gái của Marie Skłodowska-Curie
Môn học yêu thích của anh/chị là môn nào?
Giáo dục công dân, toán, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý, các môn học dạy về kỹ năng mềm
Anh/chị đã từng gặp rắc rối gì khi còn đi học?
Cũng khá nhiều, bị giám thị mời phụ huynh lên nhắc nhở khá nhiều lần vào năm cuối cấp 2 vì nhiều vấn đề. Nhưng có lẽ đó là những bước quan trọng cho bản thân tự rút kinh nghiệm cho bản thân tốt hơn và có thể đi xa hơn.
Anh/chị thích ăn món gì nhất?
Các món ăn truyền thống Việt Nam như phở, hủ tiếu, cơm sườn, chả giò, bún bò Huế, bánh mì và các món ăn hải sản
Nếu anh/chị có 3 điều ước dành cho riêng mình, anh chị sẽ ước gì? - Trả lời thành thật nhé!
1. Không có người đói khổ, thiếu lương thực, thiếu nước sạch để sinh hoạt 2. Không còn phá hoại rừng và gây ô nhiễm môi trường sống 3. Không có chiến tranh, xung đột vũ trang và sắc tộc, khủng bố
-
-
Ảnh làm việc:
Trung Tâm Sinh Học tại Vienna, Áo (Vienna Biocenter Campus). Đây là một trung tâm nghiên cứu về khoa học sự sống lớn nhất nước Áo, và cũng là một trong những trung tâm lớn tại Châu Âu. Trung tâm bao gồm bốn Viện nghiên cứu thành viên là Viện Max F. Perutz (MFPL), Viện Gregor Mendel (GMI), Viện Bệnh Học Phân Tử (IMP) và Viện Công Nghệ Sinh Học Phân Tử (IMBA). Bên cạnh các viện nghiên cứu còn có các khu phòng thí nghiệm sinh hoá – khối phổ, phân tích tế bào, sinh tin học, giải trình tự thế hệ mới, khu thực vật – động vật và nuôi cấy các sinh vật biển, các mô hình sinh vật nghiên cứu khác, phòng thí nghiệm kính hiển vi và các công ty công nghệ sinh học phục vụ cho các nghiên cứu lớn của Trung Tâm. Nguồn ảnh: http://www.imba.oeaw.ac.at/
Viện Max F. Perutz (MFPL) là một khối nhà 7 tầng, gồm khoảng 54 nhóm nghiên cứu khác nhau về khoa học sự sống, với khoảng hơn 500 nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên tại đây. Với nhiều phân nhánh nghiên cứu khác nhau về khoa học sự sống ở mức độ phân tử. Một trong những nhánh nghiên cứu nổi bật trên thế giới tại đây là sinh học nhiễm sắc thể (chromosome biology). Max F. Perutz là tên một nhà sinh học phân tử nổi tiếng người Áo-Anh, đoạt giải Nobel Hoá Học về công trình nghiên cứu khám phá ra cấu trúc của haemoglobin và myoglobin. Nguồn video tham khảo về viện MFPL: https://youtu.be/y-4M7_17W7c
Một góc phòng thí nghiệm nơi làm việc, nơi tiến hành các thí nghiệm di truyền phân tử, sinh hoá, sinh học tế bào. Mỗi người sẽ có một bàn làm việc để tiến hành thí nghiệmMáy giải trình tự thế hệ mới HiSeq Illumina tại phòng giải trình tự thế hệ mới tại Vienna Biocenter Campus. Nơi đây đảm nhận dịch vụ giải trình tự các thư viện DNA, RNA cho các dự án của các phòng thí nghiệm tại trung tâm sinh học Vienna. Nguồn ảnh: https://forschungsinfrastruktur.bmwfw.gv.at/de/institution/vienna-biocenter-core-facilities-gmbh-vbcf_25?id=2108
Máy khối phổ, nhằm phân tích/giải trình tự khối lượng lớn các protein từ phân tích gel 2 chiều (2D-PAGE) một cách tự động tại viện IMP, Vienna Biocenter Campus. Nguồn ảnh: http://cores.imp.ac.at/protein-chemistry/equipment/mass-spectrometry/
Nơi làm việc hiện tại là Viện Jean Pierre Bourgin, INRA – Versailles (INRA: Trung Tâm Nghiên Cứu Nông Nghiệp Quốc Gia Pháp, một trong những trung tâm nghiên cứu về khoa học thực vật, khoa học nông nghiệp hàng đầu tại Châu Âu). Đây là viện nghiên cứu lớn nằm trong trung tâm INRA tại Versailles chuyên nghiên cứu về Sinh học thực vật ở mức độ tế bào và phân tử. Viện có 25 nhóm nghiên cứu lớn với những dự án nghiên cứu đa lĩnh vực, kỹ thuật nghiên cứu hiện đại nhằm trả lời các câu hỏi sinh học mới của xã hội về lĩnh vực sinh học phân tử thực vật. Viện với hơn 360 nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên làm việc tại đây. Nguồn ảnh: https://www.flickr.com/photos/135897188@N04/27596746530
Nhà kính thực vật tại Viện INRA-Versailles, Pháp. Trong nhà kính với điều kiện trồng cây được điều khiển tự động về nhiệt độ, độ ẩm, chiếu sáng, tự tưới nước, các thực vật biến đổi di truyền được trồng tại đây dùng cho các thí nghiệm. Nguồn ảnh: https://www.flickr.com/photos/inra_dist/22600920945Hệ thống robot tự động tại viện INRA – Versailles, chụp hình các kiểu hình dạng phát triển của thực vật trong suốt quá trình phát triển, nhằm đánh giá sự phát triển cuả thực vật, và đáp ứng với môi trường ở quy mô lớn. Số lượng lớn cá thể thực vật cần phân tích hình dạng phát triển trong cùng một lúc ở một điều kiện thí nghiệm. Các thí nghiệm này giúp đánh giá sự đa dạng về tính trạng của thực vật do yếu tố di truyền trong những môi trường tác động khác nhau như dịch bệnh, khô hạn, ngập úng. Nguồn ảnh và video tham khảo: WebPheno – Home
Hệ thống phòng an toàn sinh học cấp 4 tại INRA Versailles, các thí nghiệm trên các sinh vật (thực vật) biến đổi gene và gây bệnh được tiến hành tại đây, Các nhân viên khi vào phòng này được cấp thẻ, mặc áo blouse chuyên biệt, mang găng, mang giày, có lối vào khóa khí, tắm trước khi ra, loại bỏ chất thải chuyên dụng. Tất cả các không khí ra vào phòng này được lọc. Điện thoại di động sẽ tự mất sóng khi vào hệ thống này. Các chất thải sinh học đều được xử lý khép kín, hấp khử trùng trước khi cho ra ngoài. Nhân viên phải vệ sinh trước và sau khi làm thí nghiệm. Trong hệ thống này, có hệ thống nhà kính bên trong. Các thực vật tại đây trong giai đoạn đầu biến đổi gene hay gây bệnh được nuôi tại đây. Hệ thống an toàn sinh học cấp 4 này hoàn toàn khép kín giúp không phát tán bất cứ mối nguy hiểm về sinh học ra ngoài môi trường.
Một góc phòng thí nghiệm sinh hoá tại INRA – Versailles, với máy sắc ký tinh chế protein dựa trên kích thước.
Các bình luận của bạn
Thưa thây, Vì sao trong cây có điện? (1 bình luận)
Trẻ em 22 tháng tuổi cần bổ sung những chất dinh dưỡng nào (1 bình luận)
Em đang ở tuổi 14 và em bị lùn, vậy sau này em có cao lên được không? em là nam nha =)) (1 bình luận)